Bạn Hoàng Công Anh, có địa chỉ tại phường Đại Yên, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, số điện thoại 0203.3857… có hỏi: Hiện nay vợ chồng tôi đang làm ở công ty tư nhân, cả 2 vợ chồng tôi đều tham gia BHXH được 7 năm. Gia đình tôi muốn hỏi 2 vấn đề như sau:
1, Vợ chồng tôi muốn nhận 02 con nuôi cùng một lúc có được không?
2, Trong trường hợp nhận 2 con nuôi cùng một lúc, chế độ thai sản có được cộng thêm 01 tháng thai sản như trường hợp sinh đôi không?
Xin trân trọng cảm ơn!
Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh trả lời như sau:
Cảm ơn bạn Hoàng Công Anh đã gửi yêu cầu tư vấn đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh. Về vấn đề bạn quan tâm, Trung tâm xin trả lời bạn như sau:
Thứ 1: Về trường hợp muốn nhận nuôi 02 con nuôi cùng một lúc?
Căn cứ Điều 13, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về các hành vi bị cấm:
1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Căn cứ Điều 14, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi:
1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: (a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; (c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; (d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi: (a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; (b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; (c) Đang chấp hành hình phạt tù; (d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy: Đối chiếu với quy định tại Điều 13, Điều 14 và các quy định của Luật Nuôi con nuôi hiện hành thì không có quy định nào không cho phép hoặc hạn chế số lượng con nhận làm con nuôi/lần, do đó nếu vợ chồng bạn có đủ điều kiện về nhận nuôi con nuôi và không thuộc các hành vi bị cấm thì hoàn toàn có thể nhận nuôi 02 con nuôi cùng một lúc.
Thứ 2: Chế độ thai sản khi nhận 2 con nuôi cùng một lúc?
Căn cứ Điều 36, Luật BHXH năm 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi: Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này (phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi) thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ (không đồng thời hưởng cả hai).
Nếu 2 vợ chồng bạn thỏa mãn đủ điều kiện theo các quy định trên thì được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Ngoài ra, hiện tại không có quy định nào nói về việc chế độ thai sản được nghỉ thêm 01 tháng cho trường hợp nhận 02 con nuôi cùng một lúc.
Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động
Công đoàn Quảng Ninh – Điện thoại 0333.829961 – 0913.355.037
Đỗ Văn Khánh
Các tin khác đã đăng
- Thẩm quyền giải thể công ty và giải quyết các chế độ cho người lao động.
- Tư vấn hồ sơ tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động
- Trách nhiệm bồi thường khi tự ý bỏ việc làm cho công ty khác
- Chế độ chính sách cho cán bộ y tế thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn
- Chuyển việc khác và nghỉ ốm trên 14 ngày có phải đóng bảo hiểm y tế không?
- Báo giảm tham gia bảo hiểm xã hội và điều chỉnh thang, bảng lương doanh nghiệp?
- Mức hưởng chế độ thai sản và tham gia bảo hiểm xã hội khi được nâng lương?
- Đóng bảo hiểm xã hội và trả tiền lương trong thời gian ngừng việc?
- Khoản phụ cấp nào phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội?
- Đóng BHXH và điều kiện cho lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con?
- Đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động nghỉ tự do trên 14 ngày và chế độ BHXH, BHYT đi làm sớm sau khi sinh con.
- Cách tính lương hưu cho người lao động khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chuyển sang làm công việc khác trong điều kiện lao động bình thường
- Người lao động được cung cấp thông tin về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội
- Chế độ tai nạn lao động đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động
- Cán bộ, công chức, viên chức có được khám sức khỏe định kỳ, nguồn kinh phí?