liên đoàn lao động tỉnh quảng ninh

quangninh federation of labour

Tin nóng

Tham luận của đồng chí Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh tại Diễn đàn chuyên đề Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

KINH NGHIỆM LẤY Ý KIẾN CỦA CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN TRONG THAM GIA GÓP Ý DỰ THẢO CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT (TỪ THỰC TIỄN ĐỊA PHƯƠNG)

Tỉnh Quảng Ninh là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; tỉnh có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và được Trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đổi mới, sáng tạo, truyền thống đoàn kết “Kỷ luật và Đồng tâm” đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, với đà tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 năm liên tiếp duy trì ở mức hai con số, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, trong 5 năm qua, các cấp công đoàn tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng, góp ý dự thảo chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống công đoàn các cấp và đạt được nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Thứ nhất: Đổi mới, đa dạng hình thức tổ chức lấy ý kiến của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia góp ý dự thảo chính sách pháp luật như lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức hội thi, tổ chức hội thảo góp ý, tổ chức Diễn đàn Người lao động để hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, lấy ý kiến qua mạng xã hội…

Thứ hai: Công tác nghiên cứu, khảo sát, phát hiện vấn đề, lấy ý kiến để tổng hợp, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật được thực hiện bài bản, khoa học. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật được coi trọng; đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh duy trì việc tham mưu chương trình Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động; Chương trình đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với CNVCLĐ trước các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt, trước các kỳ họp lấy ý kiến vào các dự thảo bộ luật, luật liên quan đến chế độ chính sách của đoàn viên, người lao động; các hội nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động đối thoại với đoàn viên, người lao động đã tạo hiệu ứng tốt, là kênh quan trọng thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn.

Thứ ba: Chủ động đề xuất và tham gia góp ý xây dựng cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến lao động, việc làm, đào tạo nghề, xây dựng nhà ở xã hội, các chính sách hỗ trợ người lao động… Nổi bật: Tham gia Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp; theo đó, Quảng Ninh đang triển khai 05 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, các dự án sẽ được đưa vào sử dụng từ nay đến năm 2025 với tổng số 3.391 căn hộ cho CNLĐ; trên 35.000 lượt CNVCLĐ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thăm hỏi, trợ cấp, với tổng trị giá 16 tỷ đồng…

Thứ tư: Liên đoàn Lao động Quảng Ninh đã chủ trì tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động tỉnh Quảng Ninh”, giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 với 06 nhóm nội dung chính, trong đó, các nhóm nội dung đều tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động… với nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ trên 43 tỷ đồng đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong mỗi đơn vị, doanh nghiệp; giúp cho tổ chức công đoàn có thêm điều kiện để thực hiện tốt hơn quyền, trách nhiệm theo quy định.

Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật trong thời gian tới. Đoàn đại biểu Công đoàn tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số giải pháp tại Diễn đàn Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, như sau:

Một là: Đa dạng hóa hoạt động truyền thông công đoàn về tầm quan trọng của việc tham gia góp ý, xây dựng chính sách, pháp luật nhằm tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn và CNLĐ.

Hai là: Tùy vào tính chất của từng văn bản, như Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn… cần xác định quy mô tổ chức lấy ý kiến, đối tượng, mức độ, hình thức lấy ý kiến như: trực tiếp, tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến thông qua trang thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng… song phải phù hợp với đặc thù để đoàn viên, người lao động có nhiều cơ hội được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan.

Ba là: Tăng cường công tác nắm bắt thông tin, đối thoại, lắng nghe phản ánh từ cơ sở; làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật trên quan điểm lợi ích của người lao động. Trong đó, chú trọng công tác đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với đoàn viên, người lao động; hoạt động tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với đoàn viên, CNVCLĐ về những bất cấp, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động.

Bốn là: Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn tinh gọn, chuyên nghiệp, được trang bị, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; đội ngũ tư vấn pháp luật công đoàn các cấp, đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ tương đương luật sư; có nhận thức và nhạy cảm với tính chất phức tạp của quan hệ lao động trong bối cảnh hiện nay. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng tham vấn, lấy ý kiến người lao động và các bên liên quan trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật; phát huy hơn nữa chủ trương hướng về cơ sở để có thể tập hợp, chọn lọc được những quan điểm, xu hướng có tính phổ biến, khả thi nhất, làm cơ sở tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật đạt chất lượng, hiệu quả.

Năm là: Xây dựng cơ chế, triển khai các giải pháp cụ thể nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học theo từng nhóm, mảng chính sách, pháp luật để tham mưu, giúp cho công đoàn trong việc xây dựng, cũng như tham gia, góp ý với các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách, pháp luật. Nâng cao năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp hóa và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác chính sách, pháp luật. Tranh thủ và phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên chính sách, pháp luật và cán bộ công đoàn là đại biểu các cơ quan dân cử, nhất là đại biểu Quốc hội./.

Thư viện video

thư viện hình ảnh

tủ sách pháp luật điện tử

No data was found

hỏi đáp pháp luật

No data was found
No data was found

liên kết

bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là quyền lợi của mọi công dân

thống kê truy cập

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NINH

ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ TỐT NHẤT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG ĐIỀN ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN DƯỚI ĐÂY: